Cuối tháng 6, Facebook chính thức hủy bỏ dự án xây dựng drone khổng lồ đưa internet tới những vùng hẻo lánh. Google cũng có dự án tương tự nhưng sử dụng các khinh khí cầu cỡ lớn.
Và có vẻ như dự án mang tên Loon này của Google vẫn đang đi đúng hướng. Thậm chí, nó còn được tách thành công ty riêng thuộc Alphabet.
Kể từ khi bắt đầu vào năm 2013 tới nay, các khinh khí cầu Loon đã bay thử nghiệm trên 30 triệu km và một trong số đó lập kỷ lục khi tồn tại tới 198 ngày trong tầng bình lưu. Khi mạng lưới khinh khí cầu được thiết lập ở một khu vực cụ thể, kết nối internet sẽ được truyền tới khinh khí cầu gần nhất bởi đối tác viễn thông của Loon trong khu vực.
Sau đó, internet sẽ được chuyển tiếp từ khinh khí cầu này sang khinh khí cầu khác nhờ công nghệ Free Space Optical Communications. Cuối cùng, các khinh khí cầu đưa kết nối internet tới người dùng trên mặt đất.
Khi thử nghiệm, các khi khí cầu có thể truyền kết nối internet tới nhau trong khoảng cách hơn 100 km trên tầng bình lưu và đưa kết nối 10 Mbps tới người dùng điện thoại 4G LTE. Dự án này cũng đã thành công trong việc cung cấp kết nối internet cho người dân ở Puerto Rico sau cơn bão Maria và tới các vùng sâu, vùng xa khác trên thế giới.
Loon cùng với Wing là hai trong số những dự án đầy tham vọng của Google X. Và bên cạnh Loon, Wing cũng mới được tách làm công ty riêng.
Wing dùng những drone công nghệ cao để giao hàng hóa tới cho mọi người. Dự án này đã đóng góp vào việc cung cấp thực phẩm và những sản phẩm khác cho người dân ở ngoại ô Canberra, Úc cung cấp máy khử rung tim bằng đường hàng không và thậm chí mang bữa ăn trưa tới cho các học sinh Virginia Tech.
Hiện tại, các kỹ sư vẫn giám sát drone giao hàng và sẵn sàng kiểm soát đường bay bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, mục tiêu lâu dài của Wing là hoàn toàn tự động hóa hệ thống phân phối một cách an toàn, hiệu quả và có khả năng mở rộng.